Các tín đồ của môn bơi lội có lẽ sẽ phải nghĩ lại về sở thích của mình: phản ứng của mắt với nước bẩn tại bể bơi cũng sẽ tạo ra các loại khí độc bên trong tim, phổi và hệ thần kinh.
Trái với suy nghĩ thông thường rằng nguyên nhân làm cho mắt đỏ và đau sau khi bơi là do clo, loại hóa chất gây ra hiện tượng này thực ra lại là một hỗn hợp của clo và... nước tiểu.
Theo Chương trình Bơi lội Sức khỏe của Mỹ, các loại hóa chất do clo và nước tiểu tạo ra khi tiếp xúc bao gồm cả các loại khí độc có thể làm tổn hại phổ, tim và hệ thần kinh.
"Cái gọi là 'mùi clo' ở bể bơi thực ra không phải là clo. Cái mà bạn ngửi thấy là các hóa chất được tạo thành khi clo kết hợp với nước tiểu, mồ hôi và ghét từ cơ thể của những người đi bơi", Crhis Wiant, chủ tịch Ủy ban Chất lượng Nước và Sức Khỏe Hoa Kỳ khẳng định.
Đồng thời, trong khi trẻ em thường được dạy rằng các loại hóa chất đặc biệt sẽ làm biến đổi màu nước khi... tè bậy, người ta khó có thể phát hiện ra được khi nào thì ai đó đã đi tiểu ở dưới nước. Theo Tổ chức Bể bơi Quốc gia, hiện tượng mắt đỏ của người bơi thực chất lại là dấu hiệu rõ ràng nhất của... hiện tượng tè bậy tại bể bơi.
Bạn cần phải đeo kính bơi khi đi bơi tại bể công cộng
Việc đi tiểu dưới bể bơi không chỉ gây mất vệ sinh mà còn làm giảm hiệu quả diệt khuẩn của clo. Đáng lo ngại hơn, clo sẽ không giúp loại bỏ phần lớn các loại bệnh phổ biến. Nhiều vi khuẩn sẽ tồn tại hàng ngày trời trong bể bơi.
Theo các chuyên gia sức khỏe của Mỹ, người bơi cần phải thực hiện vệ sinh cơ thể trước khi vào bể bơi, đồng thời phải ngừng hành vi đi tiểu trong hồ bơi:
"Giải pháp ở đây không phải là khoa học siêu việt mà là phép lịch sự tối thiểu", bà Michele Hlavsa, giám đốc Chương trình Bơi Khỏe của Trung tâm Phòng tránh Dịch bệnh Mỹ khẳng định. "Người đi bơi chỉ được sử dụng bể bơi để bơi, phải đi tiểu trong nhà vệ sinh và phải tắm tráng trước khi xuống nước. Mọi thứ chỉ đơn giản như vậy thôi".